Mua nhà xa trung tâm, chúng tôi sống khổ như ở ốc đảo

14/10/2016

Mua nhà xa quá khiến vợ chồng anh Thịnh bỏ lỡ khá nhiều cơ hội kiếm tiền, vợ chồng vất vả trong sinh hoạt và nuôi con.

Dưới đây là những chia sẻ của anh Văn Thịnh, 43 tuổi, hiện sống ở TP HCM về những bất tiện khi mua nhà ở xa của mình.

Tôi kết hôn năm 2003. Tôi gặp vợ khi cả hai làm chung trong một công ty may mặc. May mắn sau khi cưới được một năm thì tôi không phải thuê nhà nữa do được ở nhà cậu. Chán đồng lương ít ỏi, năm 2005, hai vợ chồng tôi nghỉ việc công ty, ở nhà tự may gia công.

Năm 2006, cậu tôi bán nhà đi, vì thế vợ chồng tôi cầm tất cả số tiền tiết kiệm được đi mua một miếng đất 55m2 ở quận 12, khu vực giáp với huyện Hóc Môn, xây một ngôi nhà cấp 4 có thêm gác lửng. Tổng số tiền chúng tôi phải bỏ ra để có được nơi an cư là 250 triệu, không phải vay mượn ai. 

Vợ chồng con cái tôi sống trên tầng lửng. Tầng trệt chúng tôi đặt được 5 cái máy may và vắt sổ, thuê người về làm.

Khu vực này trước vốn là đất nông nghiệp. Lúc chúng tôi mới chuyển về, hàng xóm liền kề chưa được 10 hộ. Theo thời gian, người dân bắt đầu dọn về đây sống. Tuy nhiên, đến bây giờ, để đi vào xóm nhà này, vẫn có những đoạn đường phải đi qua bãi cỏ hoang hay những bụi cây rậm.

Có được ngôi nhà nhưng cuộc sống của chúng tôi cũng không khấm khá hơn là mấy. Chúng tôi gặp khá nhiều bất tiện do đường xá quá xa xôi. 

Chúng tôi không phát triển được nhiều mối hàng do giao thông bất tiện. Vợ tôi không dám đi đâu vào đêm tối nếu không có tôi đi cùng. Một lần, tôi có việc về quê, mà hàng cần giao vào đêm tối, vợ tôi xin hoãn lại, sau đó thì chúng tôi mất khách hàng này.

Khu vực này cơ sở hạ tầng kém, mất điện thường xuyên. Những lúc mất điện đồng nghĩa với thợ của chúng tôi được ngồi nghỉ giải lao.

Ở xa nên tôi tốn rất nhiều tiền xăng xe đi lại. Các mối hàng của tôi chủ yếu đều ở quận Tân Bình. Tính ra một ngày, tôi đi không dưới 100km để lấy nguyên liệu hay giao hàng. Cứ hai ngày, tôi đi hết một bình xăng. Thời điểm xăng hơn 20.000 một lít, những lúc vào cây xăng đổ xăng, tôi cũng thấy xót tiền.

Đôi khi chúng tôi có một lượng hàng lớn, muốn thuê ô tô chở thì cũng phải tự chở một đoạn từ nhà ra đường lớn bằng xe máy dài khoảng 2km. Mùa khô đi lại còn đỡ, mùa mưa thì đúng là cực hình vì đường tuy không ngập nước nhưng rất lầy lội. Có bữa, tôi không may làm rơi bịch hàng xuống, báo hại phải đền oan cho khách.

Không chỉ có công việc bị ảnh hưởng mà tôi cảm nhận rõ, con gái đầu lòng của tôi (sinh năm 2004) chịu thiệt rất nhiều do việc mua nhà xa của bố mẹ. Thời mầm non, cháu không đi học mẫu giáo. Chúng tôi lúc còn làm thuê ở công ty may thì gửi con tại cơ sở trông trẻ tại nhà hàng xóm. Sau đó, khi hai vợ chồng về nhà tự làm riêng thì chúng tôi vừa làm vừa trông con. Đến lúc cháu vào tiểu học, chúng tôi bắt đầu gặp khó khăn.

Vì đây là khu dân cư mới nên trong vòng bán kính 5km, chúng tôi không tìm được trường tiểu học cho con. Đi xa hơn chút cũng có trường nhưng quả thật chất lượng trường lớp rất kém. Cuối cùng, tôi quyết định xin cho con vào học tại một trường tiểu học ở Tân Bình cách nhà tôi khoảng 15km vì nghĩ cũng tiện đường đi giao dịch của bố. Trường của cháu vào học từ 7h15, hai bố con đi hết 40 phút nếu không gặp trở ngại gì trên đường. Cháu phải dậy từ 5h30 sáng, nhiều hôm phải ăn sáng ngay trên xe. Mùa khô không sao, mùa mưa con tôi viêm họng, sổ mũi suốt. Có lẽ vì đi lại nhiều, hay ốm vặt mà bây giờ khi các bạn đồng lứa đã phổng phao thì con tôi vẫn chưa dậy thì. Cháu gầy gò, 13 tuổi, chỉ cao 1m40 và chỉ nặng 30kg dù bố mẹ đều thuộc dạng to béo.

Việc chợ búa đi lại của vợ tôi cũng không hẳn tiện lợi vì chợ cách nhà tôi khoảng 4km. Hôm nào chúng tôi làm biếng, chỉ ăn trứng và rau, chạy ra hàng tạp hóa gần nhà nhất cũng khoảng 2km.

Điều kiện không thuận lợi nên kinh tế của vợ chồng tôi không phát triển được mấy. Mỗi năm chúng tôi chỉ tích lũy được khoảng 100-150 triệu dù chi tiêu rất tiết kiệm. Con số này là thấp nếu so với những người có cơ sở may nhỏ như chúng tôi, trong khi vợ chồng tôi đều là những người được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong ngành may mặc.

Cuộc sống bận rộn và không tiện nghi nên mãi đến năm 2011, lúc vợ tôi đã 36 tuổi, chúng tôi mới sinh tiếp bé thứ hai. Tôi vẫn còn nhớ bữa vợ trở dạ, không thể nào gọi được taxi vì nhà tôi nằm sâu trong hẻm ở cái khu vực vẫn chưa có tên đường. Cuối cùng tôi phải chở vợ bằng xe máy, may mà không đẻ rơi giữa đường. Những ngày đưa con trai đi tiêm phòng, tôi cũng cảm thấy xót xa cho vợ và con.

Vì thế, năm 2014, tôi quyết định bằng mọi giá phải chuyển nhà về gần trung tâm. Dốc hết tiền tiết kiệm được 900 triệu, tôi vay thêm bạn bè 900 triệu, mua một căn nhà 2 tầng, rộng 50m2 trên một con hẻm ô tô vào được ở khu vực Tân Sơn Nhì, thuộc quận Tân Phú, với giá 1,8 tỷ. Ba tháng sau, tôi bán ngôi nhà cũ của mình được 500 triệu nên khoản nợ giảm xuống còn 300 triệu.

Chưa đầy hai năm chuyển về nhà mới, công việc của vợ chồng tôi khởi sắc hẳn. Khi đi lại thuận tiện, chúng tôi không nuôi thợ ở nhà nữa. Cuộc sống không có người lạ trong nhà cũng thoải mái hơn. Hàng ngày tôi tự mình đi lấy hàng và giao hàng, vợ chỉ ở nhà cắt và kiểm kê hàng hóa cũng như tiền bạc. Tôi cũng phát triển thêm được những mối hàng rất ổn định. Chúng tôi đã trả hết nợ, hai vợ chồng đều đổi xe máy và thay điện thoại. Con gái tôi được đi học thêm tiếng Anh, học vẽ - môn cháu rất thích và cũng có năng khiếu. Tôi đang tích góp tiền để mua một chiếc xe bán tải tiện chở hàng và đưa vợ con về quê, đi chơi đây đó.

Văn Thịnh